Thứ Tư, 13 tháng 11, 2013

Chiếc Gương Soi

       
(Thầy Lê Thượng Hiền)

      (Kính gửi đến các Thầy nhân ngày Lễ kỷ niệm các nhà giáo)

      Niên học 1973, Thầy là người phụ trách môn Sinh ngữ II cho lớp tôi. Thầy chẳng những dạy chữ, thầy còn chú trọng về nhân cách con người, thầy chứng tỏ cho học sinh hiểu về cái đẹp của Tây và truyền đạt cho cái Ta thêm cao quý nhất là nét quý phái của người thiếu nữ Việt Nam.

       Huỳnh Hoa là cô bạn học cùng lớp, Hoa đẹp từ gương mặt, mái tóc, vóc dáng duy mỗi một cái tật, luôn bỏ đôi guốc sang một bên để chân trần, bị giấu guốc hoài vẫn không chừa, nhỏ lại ngồi bàn nhất nữa kia.

Giờ học nào thầy cũng nhắc: 
- Em làm ơn mang guốc vào, để bàn chân ra ngoài trông không đẹp.
- Để vây cho mát mà thầy. 

      Thầy nói rất nhiều lần, vẫn chứng nào tật nấy. Một lần thầy cương quyết bảo:
- Nếu em thích bỏ guốc ra, em nên xuống các bàn dưới ngồi, không nên ngồi ở hàng thứ nhất, vì Giám thị hoặc ai đến thăm lớp trông kỳ lắm.
     
Nhỏ vẫn cứng đầu lờ đi. Một hôm thầy nói rõ hơn, một cách thật tế nhị:
- Các em biết không, đối với Tây Phương, khi người phụ nữ đi biển, họ mặc đồ tắm, đi chân trần không có gì là lạ. Nhưng khi dự một buổi dạ tiệc, họ ăn mặc chỉnh tề, và bàn chân cũng là một phần của thân thể, phải được trân trọng. Khi ở nhà tiếp khách, không có một người thiếu nữ nào đi chân không. Đấy là nét quý phái, theo thầy nét đẹp kín đáo này đối với bất cứ người phụ nữ nào dù Tây hay Ta.
      Thế là Huỳnh Hoa mỉm cười, nói riu ríu nhưng cũng đủ cho cả thầy và bạn bè nghe:
- Em xin lỗi thầy.
      Đôi chân nhỏ nhanh chóng tìm đôi guốc mang vào. Cả lớp mỉm cười.

      Tiếc là thầy chỉ dạy chúng tôi một học kỳ. Tuy nhiên chúng tôi được học hỏi bao điều bổ ích. Sau này sống ở nước ngoài tôi mới hiểu nhiều hơn những gì thầy dạy bảo, và cảm nhận ở thầy một sự kính mến sâu xa.
      Một vùng trời xa xôi khác, khi tôi hay tin thầy định cư ở ngoại quốc, thầy trò liên lạc và cũng không quên nhau. Hay là do ngày xưa phá phách mà thầy nhớ tôi chăng!?”
      Đúng thế! Biết vậy hồi xưa chúng tôi phá hết thầy cô, thì hay siết bao!

      Sau khi tôi trình“sơ yếu lý lịch” rõ ràng, thầy hỏi tôi:
- Có phải em là cô học trò có cái răng khểnh, chuyên môn ngồi bàn nhất, và là học trò ngoan nhất trong đám, luôn cúi đầu chào khi chạm mặt thầy?
- Trời ơi, thầy nhớ hay thật! Mà thầy biết lý do vì sao có mình em chào thầy không?
- Tại sao, em kể xem.
- Tại vì hồi xưa bọn của em, tụi nó ra luật mỗi khi gặp thầy cắm cúi đầu chào, mà phải nhìn thẳng vào mắt thầy "cho Ổng đỏ mặt và run chơi”. Đứa nào phá lệ sẽ bị thua một chầu cà rem. Riêng em vừa sợ bị phá luật của nhóm lại vừa sợ thầy “đì trả bài” em đành lùi lại phía sau và cúi đầu chào thầy. Thầy cười dòn đã…
- À thì ra thế!
- Thầy ơi, phải chi hồi xưa thầy đừng nghiêm khắc, cho chúng em trò chuyện tâm sự như hôm nay, thì thầy trò hiểu nhau và vui biết mấy hở thầy?
- Trời…trời …nghiêm khắc như vậy mà bọn thầy còn muốn nín thở .Tại mấy em không biết, mới ra trường tuổi tác đâu lớn hơn các em bao nhiêu. Không nghiêm làm sao làm việc được.
- Hồi xưa ấy mỗi khi bị chọc phá, mặt thầy đỏ bừng, chắc thầy giận chúng em lắm?
- Em lầm rồi, thầy đâu có giận, mà thầy đang... run đó thôi. Cố gắng trang nghiêm để không bị phá nữa. Làm thầy cô không dễ đâu em.
      Tôi cười thích thú :
- Trời... trời vậy là thầy cũng run như chúng em?
- Thầy có thể cho em biết vì sao thầy về dạy trường nữ Tống Phước Hiệp không? Thầy gan ghê!.
- Thầy biết, không dễ gì khi về dạy trường nữ, nhưng vì lý tưởng của nhà giáo. Khi thầy ra trường, đi chọn nhiệm sở, ba tỉnh thầy đến viếng thăm là Long An , Mỹ Tho và Vĩnh Long. Tuy Vĩnh Long xa nhà nhưng thầy quyết định chọn vì nhiều lý do.
      Khi đi xem các nơi, quan tâm đầu tiên là nơi ăn chốn ở, nhưng khi đến Long An và Mỹ Tho thầy hỏi thì các ông Hiệu trưởng nơi ấy không ai quan tâm, xem như việc mình phải tự lo. Khi thầy đến Vĩnh Long, vừa đề cập việc nơi ăn chốn ở, thầy Hiệu Trưởng Đào Khánh Thọ và thầy Giám Học Võ Thanh Bai rất ân cần hướng dẫn, đã cho thầy yên tâm, hai vị bảo sẽ giới thiệu nhà trọ và nơi ăn cơm tháng cho thầy. “An cư thì lạc nghiệp” mà em.

(Hiệu Trưởng Đào Khánh Thọ, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đến thăm trường Tống Phước Hiệp)

       Nhưng điểm chính yếu, mà thầy quyết định do lần diện kiến đầu tiên với Thầy Đào Khánh Thọ và Thầy Võ Thanh Bai, hai thầy rất vui vẻ, nhiệt tình tiếp đón. Về mặt cải tổ, thầy rất thích vì lòng nhiệt quyết thiết tha của ban điều hành cho thế hệ trẻ, thầy chọn con đường này cũng vì lý tưởng như nhau.

      Được trò chuyện với thầy tôi rất vui! Khám phá được những suy tư và cũng không khỏi cảm động khi nghe những hoài bão của những bậc thầy. Thầy cô là người khai phá đường đi nước bước dẫn dắt và quyết tâm dâng trái tim mình cho thế hệ đi sau.Thầy tiếp :
- Hiệu trưởng Đào Khánh Thọ và Thầy Võ Thanh Bai rất vui vẻ, kiên quyết, hòa nhã đã cho thầy một ấn tượng rất tốt đẹp. Trường Tống Phước Hiệp uy nghi cổ kính, phong cảnh đẹp, phòng ốc khang trang. Học trò lễ phép, nhu mì.

      Sau đó thầy nhận xét thêm,Vĩnh Long là tỉnh lỵ hiền hòa, sông nước êm đềm, dân Vĩnh Long đầy tình người, phong cảnh nên thơ.

- Úi chà! Thầy có lầm không thầy, chúng em nhu mì sao?
- Tuỳ em, cũng không lầm đâu, ngổ ngáo nhưng ngoan và học giỏi.
- Em có biết, sinh viên Sài Gòn sắp ra trường Đại Học Sư Phạm, ai cũng sợ khi nghe tên ông Đào Khánh Thọ?
- Sao lại sợ hở thầy?
- Sợ, vì Ông nổi tiếng nghiêm khắc và kỷ luật.
- Vậy thầy không sợ sao?
- Không đâu! Có nghiêm khắc, có kỷ luật mới đào tạo được những công dân hữu ích, cho đất nước, xã hội sau này. Hơn nữa, Việt Nam ta có câu: “Tiên học lễ hậu học văn”. Chính vì thế mà thầy quyết định chọn dạy trường Tống Phước Hiệp đó em.
- Em biết nghề thầy giáo theo quan niệm Đông phương rất khó,Thầy trên Cha Mẹ mà, truyền đạt kiến thức chưa đủ phải có đạo đức nữa, phải có tác phong xứng đáng. Ngành Sư Phạm cũng dạy nhiều môn, trong đó cũng dạy cách cư xử của nhà giáo, nhu cương hòa hợp,
- Cho ăn khổ qua rồi uống nước đường hở thầy.
      Thầy vui cười kể tiếp:
- Tư cách, tác phong là điều chủ yếu, phải làm gương cho học trò, luôn luôn đến trường trước giờ lên lớp, ăn mặc chỉnh tề thì được học trò lễ phép, kính trọng. Khi học ở Đại học Sư Phạm, cũng có những buổi thực tập. Nếu bị học trò phá thì mình làm thế nào v.v…
- Vậy thầy làm thế nào khi bị phá?
- Lúc đó học khác, ra trường khác, làm sao phản ứng kịp các em.
- Thế thì, lúc không kịp phản ứng thầy làm sao?
- Thì cười trừ…!!!
Hai thầy trò chúng tôi vui cười…Nhất là tôi, tôi cố gắng lắng nghe từng lời, từng câu quý báu của thầy. Thầy hỏi tiếp:
- Em có biết, ngày xưa trong phòng giáo sư trường mình, có gì đặc biệt không?
- Hồi xưa em có vào phòng ấy, nhưng chỉ thấy thầy cô chưa lên lớp ngồi soạn bài hay chấm bài thôi. Em đâu dám nhúc nhích, run muốn chết luôn.Thầy nói em nghe đi.
- Đấy là tấm gương soi thât to, do thầy Đào Khánh Thọ treo nơi ấy.
- Để làm gì vậy thầy?
- Mục đích của ông Hiệu Trưởng, là muốn tất cả thầy cô soi gương, xem lai quần áo, tóc tai, cho chỉnh tề trước khi lên lớp.Thầy cô phải tự soi mình khi đối diện với các em, sao cho xứng đáng là một nhà mô phạm. Ngụ ý ấy thầy rất kính phục và nhớ mãi đến hôm nay. Em còn nhớ câu “ Một người thầy phạm sai lầm là hại cả một thế hệ”. Bởi vậy vì sao thầy quý mến và tôn trọng ông Hiệu Trưởng. Ông Đào Khánh Thọ là một vị thầy đáng kính của trường Tống Phước Hiệp chúng ta.
      Muốn xây dựng một đất nước, con người phải được tín nhiệm, em biết không!

      Thầy ơi! Em rất cảm ơn thầy, đã cho em biết những điều em chưa bao giờ nghe và hiểu tường tận. Một hình ảnh quá đẹp và đáng kính của một vị Hiệu Trưởng, một vị Giám Học, và Thầy là một trong những Vị thầy cô có hoài bảo. Đem tâm sức mình tạo dựng những mầm non, những nhân tài trong xã hội nói chung và cho Trường Nữ Trung Học Tống Phước Hiệp nói riêng.
       Tôi năn nỉ thầy viết cho Đặc San, để mọi người được đọc. Để tất cả được nghe những điều cao quý của những bậc thầy cô cũng như ghi lại kỷ niệm tình thầy trò ngày xưa khó quên và dễ thương, nhưng thầy cười thật giòn …
- Thôi để học trò viết hay hơn.
- Em viết không hay, nhưng em không thể im lặng phải không thầy!?
- Được, em cứ viết.

      Còn biết bao nhiêu thầy cô khác mà đáng tiếc tôi chưa được tâm tình. Những thầy cô, tôi đã từng học qua hay chưa bao giờ dạy tôi dưới mái trường Tống Phước Hiệp. Các vị có những tài năng và đức độ. Theo thuyết nhà Phật là một nhân duyên và trong suy nghĩ của tôi, phúc cho những học trò nào được gặp gỡ thầy cô đó, trong cuộc đời .

      Kính gửi đến thầy Hiệu Trưởng Đào Khánh Thọ và thầy Giám Học Võ Thanh Bai.
      Em rất cảm ơn thầy dạy Sinh Ngữ, đã cho em những lời khuyên quý báu. Những kỷ niệm mà em không bao giờ quên. Thầy chính là thầy Lê Thượng Hiền.
      Thương gửi đến Huỳnh Hoa, cô bạn ngoan nhất lớp và kỷ niệm thật dễ thương!

Kim Oanh
5/2009
***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét