Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Cây Trứng Cá

      

     Theo tài liệu về khoa học thực vật cây trứng cá hay được gọi là Mật sâm, có tên khoa học là  Muntingia calabura là một loài thực vật có nguồn gốc từ Mexico, Caribe, Trung Mỹ và về miền Tây Nam Mỹ. Là một loài cây phát triển trên những vùng khô hạn, những vùng đất không giàu dinh dưỡng. Nói chung cây trứng cá rất thích hợp với những vùng nhiệt đới. Loài dơi và chim ăn trái và phát tán hạt khắp nơi...bao gồm cả vùng Đông Nam Á.
      Người ta lấy gỗ từ thân cây, bên ngoài vàng nhạt, trong tâm màu đỏ nhạt, cứng và chắc nhưng trọng lượng nhẹ nên được dùng làm hộp, vách, làm cũi dễ nhóm, ít khói, vỏ cây làm dây thừng.

      Riêng nhỏ, thì cây trứng cá là một niềm vui ngọt ngào của tuổi thơ, là những kỷ niệm, hạnh phúc một thời trong ngôi làng nhỏ thân yêu.
      Cây trứng cá không cao chót vót, tàng rộng lá xanh che mát quanh năm cho dù nắng nung quái ác. Mùa thu lá cũng đủ vàng lưa thưa, lẻ loi rơi rụng theo mùa nhưng không làm trụi hết cây.
     Làng nhỏ, hầu như nhà nhà đều có cây trứng cá trước sân. Trước khi kết trái, hoa màu trắng, nhụy vàng mong manh. Mỗi khi có cơn gió dù nhỏ hay lớn, cánh hoa như đàn bướm chao liệng, bay lượn trên không rồi nhẹ nhàng đáp xuống nền đất xám cằn... từ từ được luà theo từng lớp đi...đi...khắp sân làng


    Trái trứng cá to bằng đầu ngón tay cái, khi trái còn xanh con gái thích hái để chơi nhà chòi, con trai dùng làm đạn. Ống thụt được làm bằng cây trúc nhét trái trứng cá vào, một chiếc que vuốt như chiếc đũa, đầu quấn vải và thụt... những tiếng bốp...bốp như pháo nổ phát ra. Sức ép cũng đủ là rát cả da, mà nạn nhân là bọn con gái của nhỏ.
Khi trái bắt đầu hườm hườm, sang đỏ, mọng nước căng tròn thu hút đám con nít bu quanh, đứa leo trèo, đứa vói hái, đứa này đưa lưng cõng đứa kia tòm thu không sót. Những sáng kiến nảy ra, làm một chiếc lồng bằng cây tre, chỉ cần nhẹ nhàng xoay chiếc lồng là những trái tuốt trên cao cũng nằm êm ái mà lũ dơi và chim không có cơ hội để ăn.

    Một ngày có đoàn xe ghé vào làng Trung Ngãi đóng quân, trên đường cô bé đi học về, chợt thấy dưới gốc cây có người ngồi, chiếc nón sắt úp lên mặt ngủ trưa. Tò mò con nít bu quanh... cười khúc khích, đứa sờ chiếc bi đông, sờ cái ba lô, sờ bá súng... một tiếng hù " đùng", đám con nít thích chí cười vang... nhỏ đứng xa xa tò mò cười mỉm.. Chú lính đưa tay vẫy gọi cô bé kèm nụ cười đầm ấm, nó không e dè bước lại gần, chú đội chiếc nón lên đầu nó, che hết khuôn mặt non nớt, chỉ còn thấy cái miệng nó hả hê cười thật tươi.
Không biết đoàn quân ấy đến và đi bao nhiêu bận, nhưng có một điều nỗi nhớ vẫn chỉ một lần gắn mãi nơi đây. Vẫn choàng ôm ký ức thơ ngây và đi với cô bé suốt đời.

    Lớn lên rời làng, cái bình dân, giản dị dường như bị lãng quên. Nhất là khi rời làng lên tỉnh học, tâm hồn xôn xao mơ mộng cũng theo cảnh vật mới thăng hoa. Những đoá Hồng, Ngọc Lan.. những đoá hoa xinh đẹp rực rỡ khác choáng ngợp lòng thanh, thiếu nữ đương xuân. Trái ngon xoài, mận, cóc ổi...lấn áp trái trứng cá. Cây trứng cá quê mùa một chiều vắng bóng cô bạn tí hon. Tất cả đã phôi pha?!

    Sau bao mươi năm trở lại làng quê, cô giáo nhỏ về nhận nhiệm sở nơi ngôi trường ngày cũ, nơi cô đã một thời cắp sách đi học.
Cây trứng cá vẫn còn, căn nhà cũ đã thay chủ. Mỗi buổi tan lớp về nàng thường đi ngang qua căn nhà đó, cây trứng cá giờ đã được bao bọc bởi một hàng rào gạch cao, nàng len lén vói tay hái trái trứng cá cho vào miệng chợt nghe lòng đau nhói... rồi ngày qua ngày trái chín đỏ ối de ra khỏi rào, nàng lãi sạch không còn. Có hôm nàng tựa vách rào lấy bình tĩnh để lén thò tay vào ô vuông gạch trống hái. Thình lình một nhúm trái trứng cá nằm gọn trong bàn tay nhỏ bé của nàng. Vừa hốt hoảng vừa quê ... nàng đứng chết trân. Một đôi mắt nhìn xuyên qua ô trống hàng rào, đôi mắt biết cười ... " cô giáo đừng ngại, mỗi ngày tôi sẽ tặng cô " . Nàng lí nhí cảm ơn rồi vội vã quay lưng như chạy trốn. Sượng sùng và quê mặt làm sao. Vậy là nàng đã bị theo dõi từ lâu, “người ta còn biết cả nghề nghiệp của mình”.
     

      Kể từ hôm ấy, mỗi buổi tan lớp nàng đi ngang qua nhà không dám dừng chân ... đi như chạy...nhưng rồi người ta lại chận bước chân nàng để gửi cho những trái trứng cá đỏ ối gọi mời. Nàng nhận quà cũng líu ríu " cảm ơn chú" rồi lầm lũi bước đi vì cái xấu hổ vẫn còn vương.
      Tiếng nói người ta với theo:
      - Cô bé đội nón sắt ngày xưa phải không?
     Đôi chân nàng như ai đổ xi măng, bị khô cứng không thể nào di chuyển. Nàng im lặng không ngoái đầu lại được vì toàn thân như pho tượng, mồ hôi giã ra đầy mặt, nóng bừng, miệng không nói thành câu.
      Người ấy đứng trước  mặt nàng, nụ cười đầm ấm ... ánh mắt thu hút như ngày nào đã nhìn con nhỏ và vẫy gọi con nhỏ đến gần ... Ôi cái kỷ niệm như cuốn phim quay về quá khứ thơ ngây.
      - Mời cô giáo vào nhà nghỉ chân và uống ly nước mát nhe?
      Nàng ngập ngừng chưa biết tính sao. Trong nhà một cô bé, bé An là học trò của nàng, chạy ùa ra níu lấy tay nàng lay lay van nỉ.
      - Cô, vào nhà em đi cô.
      Đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác,
     - Vậy chú là....
     Câu hỏi chưa kịp dứt, một người thiếu nữ từ trong nhà bước ra mời thêm.
     - Mời cô giáo vào uống miếng nước.
     - Dạ, cảm ơn anh chị.

     Nàng chợt thấy nhẹ lo, vò đầu cô học trò nhỏ và bước vào sân. Nàng nhìn gốc trứng cá và chợt bắt gặp ánh mắt biết cười của người ấy rộn ràng. Nàng cúi xuống tránh né, vì có vợ người ta bên cạnh. Chân vừa chạm ngạch cửa tự nhiên nước mắt nhỏ tuôn dài, bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ, hình ảnh ba má nàng như đang hiện diện nơi đây, bóng dáng anh chị em nàng đang tung tăng chạy nhảy. Căn nhà ký ức nàng đây sao?
     Người phụ nữ đánh tiếng.
     - Cô giáo có muốn nhìn lại căn nhà không? Mời cô.
     Chị vừa đưa tay mời vừa nắm lấy tay nàng dẫn đi.

     Căn phòng khách, rẽ trái bước vào phòng ngủ, rẽ phải là cái trảng xê mà gia đình nàng đã trú ẩn những khi súng hai phía chạm nhau.
     Đi thẳng xuống nhà sau là nơi gia đình nàng hay ngồi quay quần bên mâm cơm đầm ấm cũng là nơi ngồi học hàng đêm. Nhìn ra sân vườn là chiếc giếng nước, cũng nơi giếng nước này, ba má nàng thường quăng  xuống giếng những quần áo, hình ảnh, giấy tờ được bọc nylon cẩn thận, mỗi khi hô cháy nhà hay chạy loạn. Nhờ ba má nàng nhanh trí nên anh em nàng vẫn còn những kỷ niệm xa xưa. Một kho tàng quý giá để đời.
      Bước qua khỏi nhà mát là căn bếp, cái bồ lúa nằm cạnh, tấm ngựa gỗ ngồi xay bột làm bánh vẫn còn nguyên trong trí nàng, tuy nay không còn nữa. Đi đến đâu nước mắt nàng rơi đến đó... Nhìn hết cảnh vật chung quanh nàng đứng thừ người, chủ nhà rất tế nhị chỉ im lặng đi theo nàng, họ tôn trọng cảm xúc của nàng và chia sẻ nỗi đau.
      Cái nhìn của người đàn ông có chút gì chua xót... vì người cũng đã có những ngày đóng quân trong căn nhà này thuở xa xưa, ngồi chái nhà sau thổi lửa nấu cơm, ngủ ở hàng hiên trước, tắm nước giếng này....

      - Cô giáo lên phòng khách uống nước nhe.
     Lời dịu dàng của chị chủ nhà, làm nhỏ quay về với hiện tại, trò chuyện cùng nhau, nhỏ hỏi:
     - Anh chị về đây bao lâu? con anh chi học ngoan lắm. Xin lỗi anh chị vì em mới về làng không lâu nên chưa biết hết phụ huynh. Cám ơn anh chị hôm nay cho em vào để nhìn lại căn nhà kỷ niệm của mình.
     Chị chủ nhà đập vào vai nàng cười ...
     - Trời ơi, hổng phải cô giáo ơi. Đây là anh em đó. Sau khi ảnh bị thương giải ngũ về, rồi ba má em chết hết trong chiến tranh, ảnh thua buồn quá mong về đây ở tìm kỷ niệm, nhưng không ngờ gia đình chị ly tán hết, người chủ mới bán căn nhà này, anh em nhứt định mua và cho hai mẹ con em tá túc đó.
     Nàng xin lỗi rối rít và nhìn ánh mắt cười ... ngạo của người ta mặt nàng đỏ bừng xấu hổ.
     - Chị ngồi đây nói chuyện với anh em, em chạy mua nước nhe. Uống cà phê đá nhe chị.
     Nhỏ chưa kịp ngăn thì cô em nắm tay bé An “ theo mẹ bé An” nhanh như chớp hai mẹ con biến dạng.
     - Ngồi đi cô bé, đứng chào cờ hoài sao?
     - Sao chú không nói cho biết trước ... quê quá.
     - Cô bé có hỏi đâu. Mà sao hồi nãy gọi anh mà bây giờ kêu chú rồi?
     Nhỏ ấp úng chóng chế.
     - Thì...
     - Thì sao?
     - Thì tại hồi nãy chưa biết quen...Bây giờ biết quen nên gọi chú, vì quen miệng gọi “ chú lính “ rồi... Mà sao chú gọi người ta bằng cô giáo mà.
      - Cô bé giỏi đáp lắm nhe, nhưng bướng cũng không chừa hé.
      - Mà sao chú biết nhỏ là cô bé hồi xưa ở căn nhà này?
      - Thì nhờ cây trứng cá báo mật. Mỗi ngày anh đứng sau bức rào nghe một người đứng tỉ tê với cây trứng cá, vừa ăn trứng cá vừa kể chuyện đời xưa.
     - Trời ơi, chú nghe lén người ta.
     - Có người nói lén mình không nghe thì tội.
     Cả hai im lặng trong giây phút, mắt cùng hướng về tàng cây trứng cá ngoài sân ... rồi nàng bẽn lẽn cúi đầu và chợt nghe lòng rộn rã niềm vui. Ngày buồn trong ngôi làng bé nhỏ này cũng bắt đầu tươi màu như loài trái trứng cá chín mộng ươm mật ngọt kia. Tâm hồn cô giáo trẻ bỗng nhẹ nhàng như hoa trắng tinh lượn bay theo gió mới.
* * *

      Ánh nắng xuyên qua tàng cây trứng cá soi rọi những hình ảnh tuổi thơ, chập chờn trước mắt...
      Thì ra những đóa hoa Mai, Hồng, Lan, Cúc và những loài hoa khác rực rỡ sắc hương, thơm nồng quyến rũ như những người con gái rộ tuổi dậy thì. Tuy hoa trứng cá không hương nồng nhưng vẫn dịu dàng tha thướt với gió mơn, nhẹ bay, màu trinh trắng điểm nhẹ sắc nhụy vàng cũng đủ gợi tình góp ý với thi nhân.
      Trái xoài, mận, cóc, ổi vừa chua vừa ngọt như tuổi đời thăng trầm của nàng đã đi qua... nhưng chắc chắn một điều trái trứng cá chẳng bao giờ có vị chua, mà mãi mãi ngọt ngào như tuổi ấu thơ.

" Nếu là hoa
Xin hãy khoan là trái
Hoa nồng hương
Mà trái lắm khi chua" 

(Tôn Nữ Thu Hồng)  

      Riêng với cây trứng cá thì nàng chẳng cần van xin, chẳng cần nhắn nhủ, vì...

Nếu là hoa
Em xin làm ngọt trái
Đỏ ối lòng,
Tươi mãi với tuổi xanh

Cánh mong manh
Nhẹ nhàng lay trong gió
Gắn bó đời
Hạnh phúc đẹp long lanh

(KimOanh)

Kim Oanh

 ***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét