Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Chung Một Nỗi Niềm


(Ghi lại 1995)       
      Năm 1995 là lần đầu tiên gia đình tôi trở về thăm lại Việt Nam. Một Vĩnh Long buồn héo hắt, không tìm ra được một người bạn nào vì hầu như bạn bè bị thuyên chuyển về quận, xã dạy học hoặc đi làm việc cả.
      Trưa nào tôi cũng lang thang qua những ngôi trường để tìm xem lại những gì cò lưu giữ. Ngôi Trường Tống Phước Hiệp cây xanh vẫn còn rợp bóng, Nguyễn Thông cũng một thời chưa tàn phai, riêng trường các bạn Nguyễn Trường Tộ hoang tàn, trước sân một đống cát, gạch vụn dâng cao, vài con gà mổ thóc ăn trưa, tiếng gà gáy cất lên như tiếng than ỉ ôi, như tiếng lòng tôi gọi tên ai đó.. cổng trường rỉ sét, nếu tấm bảng Nguyễn Trường Tộ không còn thì không ai có thể hình dung đó là ngôi trường mái đỏ, đẹp hiền hòa nằm cạnh dòng sông lững lờ thơ mộng ngày nao. Mái đỏ đã đóng rêu xanh, hành lang sụp đổ, cây phượng già còn lưa thưa những đoá nở muộn màng, phải chăng phượng chờ đón người về từ một nẻo xa xăm?
      Tuy không là học trò trường bạn nhưng tâm trạng tôi không khỏi đau xót bàng hàng, dòng sông cũng đã không còn bờ để người về đuợc một chỗ dừng chân, loay quay tôi chụp được tấm hình cuối cùng.

      Sáng hôm sau tôi lại tiếp tục ra bờ sông để nhìn sang lần nữa, vô tình đập vào mắt tôi hình ảnh những nữ sinh áo trắng đi học ngang trường, những nam sinh kè kè chạy cạnh làm tôi nhớ đến ngày nào, một thời của tôi và một thời của các bạn.
      Tôi không chụp tất cả những hình ảnh bằng máy mà tôi đã chụp được hình ảnh này từ trí nhớ tôi và cuộn phim ấy đã nhiều lần quay đi quay lại suốt mấy mươi năm dài.... Biết bao giờ thấy lại trường Trung Học Tư Thục Nguyễn Trường Tộ xa xưa.

Có người bảo tôi may mắn
Tống Phước Hiệp mất tên
Nhưng còn lại ngôi trường
Tôi còn tìm những vấn vương

Nhưng bạn ạ!
Dù ta không cùng trường
Nhưng nỗi đau thương với nhớ
Bạn ở lại vẫn vơ lo sợ
Tôi xa rời ...trở lại sầu dâng

Nguyễn Trường Tộ tuy xa mà gần. 
Một đời tập sách ép bâng khuâng
Bên nhau chia sẻ bao nồng ấm
Dẫu thời gian phủ tóc trắng ngần

Kim Oanh

***
Mục Lục: Những Bài Văn Khác: Nhấp vào Links


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét